TP HCM Dự kiến cuối năm nay, Thủ Đức sẽ hoàn tất đền bù, giao mặt bằng ở dự án cầu Nam Lý, Tăng Long, Ông Nhiêu, Ông Bồn để thi công lại sau nhiều năm chậm trễ.
Xem thêm:
Thông tin được Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng đưa ra tại buổi kiểm tra tình hình thực hiện 4 cây cầu trên, ngày 20/10. Những dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, nằm trên các trục giao thông huyết mạch ở TP Thủ Đức, song chậm tiến độ nhiều năm qua do vướng mặt bằng.
Trong đó, lớn nhất là cầu Nam Lý dài 650 m, rộng 20 m trên đường Đỗ Xuân Hợp, tổng mức đầu tư gần 920 tỷ đồng, được xây dựng để thay cầu Cống đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp và xuống cấp. Dự án khởi công cách đây 6 năm nhưng phải dừng khi mới hoàn thành khoảng 39% khối lượng do vướng mặt bằng. Tại công trường, vật liệu xây dựng đang chất đống, rào chắn ngổn ngang sau thời gian dài ngưng trệ.
Cách đó khoảng 4 km, cầu Tăng Long dài gần 800 m, tính cả đường dẫn, bắc qua rạch Trau Trảu trên đường Lã Xuân Oai cũng trong tình trạng tương tự. Các nhịp cầu đã xây xong từ lâu nằm trơ trọi, sắt thép hoen rỉ. Dự án này khởi công cách đây 5 năm, nhưng hiện mới đạt 30% khối lượng do vướng mặt bằng.
Trong khi đó, hai công trình khác cũng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức là cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh và cầu Ông Bồn ở tuyến Bưng Ông Thoàn, tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng chưa thể thực hiện vì phải chờ hoàn tất thu hồi đất.
Theo ông Tùng, các dự án hạ tầng chậm trễ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Do vậy, Thủ Đức đang đẩy nhanh xác minh nguồn gốc, hiện trạng pháp lý đất ở từng hộ dân, doanh nghiệp trong phạm vi dự án để sớm bồi thường, giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư khởi động lại các công trình này.
Chủ tịch TP Thủ Đức cũng cho biết việc đền bù, giải phóng mặt bằng ở các dự án sẽ được địa phương vận dụng theo chính sách, cơ chế tốt nhất để người dân đồng thuận, cũng như giúp họ sớm ổn định sau khi giao đất cho các công trình.
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP – chủ đầu tư), cho rằng giải phóng mặt bằng ở nhiều công trình chậm trễ do giá bồi thường hiện chưa sát thị trường, nên nhiều người dân chưa đồng thuận di dời. Do vậy, thời gian qua đơn vị này và các bên liên quan triển khai nhiều phương án để tham mưu, trình duyệt giá đất tiếp cận gần hơn để người dân bàn giao.
“Sau khi địa phương giao mặt bằng, các dự án trên có thể hoàn thành sau 12-15 tháng thi công”, ông Hùng nói và cho biết chủ đầu tư sẽ phối hợp chặt cùng địa phương, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng sau khi có mặt bằng.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cũng cho biết trong kiến nghị Luật Đất đai sắp tới, thành phố lưu ý chính sách bồi thường sẽ không lệ thuộc khung giá đất mà sẽ có bảng giá do chính quyền địa phương ban hành. Bảng giá này sẽ theo đặc điểm dân cư, đô thị, vị trí dự án, sát với thị trường để người dân dễ đồng thuận.
Nguồn: Gia Minh